Tại sao nên cân màu màn hình ?
Trước khi tìm hiểu chi tiết về cân màu màn hình và lợi ích của nó, ta nên có một số kiến thức cơ bản
1. Các khái niệm cơ bản về màu sắc
1.1. Màu trắng và nhiệt độ màu
Nhiệt độ màu của một nguồn sáng là nhiệt độ của một vật đen tuyệt đối được nung từ 2.000 - 10.000 độ C để có phổ màu tương đương với phổ màu của nguồn sáng đó. Một số ví dụ của nhiệt độ màu:
Nhiệt độ màu thường được đo bằng độ K – Kelvin. Vật đen từ 2700 – 7500K phát ra ánh sáng trắng với các mức độ như sau:
- 2700 – 3000K: ánh sáng trắng ấm
- 4000 – 4500K: ánh sáng trắng tự nhiên
- 5000 – 6000K: ánh sáng trắng ban ngày
- 7000 – 7500K: ánh sáng trắng lạnh
Nhiệt độ màu của một hình ảnh thay đổi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ màu sắc trên hình ảnh đó.
Trong đó các mức phổ biến được hãng màn hình chuyên nghiệp EIZO sử dụng trong các chế độ
- In ấn: 5000K
- Nhiếp ảnh: 5500K
- Văn phòng: 6500K
1.2. Hệ màu RGB
Hệ RGB gồm 3 màu cơ bản: Red (Đỏ), Green (Xanh lá cây), Blue (Xanh lam)
RGB là hệ màu cộng. Ba màu cơ này bản kết hợp theo tỉ lệ sẽ tạo ra các màu khác nhau trong dải ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy. Tỉ lệ 1:1:1 sẽ tạo ra màu trắng, còn khi không hiển thị (R = G = B = 0) thì ta coi nó là màu đen.
Các màn hình màu từ trước đến nay hoạt động theo nguyên tắc kết hợp nhiều điểm ảnh, mỗi điểm ảnh cũng bao gồm 3 màu RGB. Vì vậy, RGB là hệ màu phổ biến nhất trong nhiếp ảnh số và các thiết bị hiển thị điện tử như màn hình máy tính, điện thoại …
Phóng lớn một điểm ảnh trên iPhone
1.3. Hệ màu CMYK
Màu CMYK gồm 3 màu cơ bản: Cyan (Xanh lơ), Magenta (Hồng sẫm), Yellow (Vàng)
CMYK là hệ màu trừ. Những màu sắc mà người ta nhìn thấy là từ phần của ánh sáng không bị hấp thụ.
Do đó thay vì thêm độ sáng để có những màu sắc khác nhau, CMYK sẽ loại trừ ánh sáng đi từ ánh sáng gốc là màu trắng để tạo ra các màu sắc khác. 3 màu Cyan, Magenta và Yellow khi kết hợp sẽ tạo ra một màu đen.
CMYK được sử dụng chủ yếu trong in ấn. Ngược với RGB, hệ CMYK không có màu trắng vì màu trắng sẽ đến từ tờ giấy mà bạn sử dụng để in.
2. Những yếu tố phần cứng ảnh hưởng đến màu sắc màn hình
2.1 Công nghệ màn hình
- TN: được sử dụng trên MacBook Air 2017 và MacBook Pro 2012 (không retina), iPhone 3GS trở về trước. Tuy giá thành rẻ, tiết kiệm điện nhưng khả năng tái tạo màu kém, góc nhìn hẹp.
- IPS: được sử dụng trên các dòng MacBook và iPhone có màn hình Retina. Màn hình IPS mang lại màu sắc sống động, góc nhìn cực rộng hơn nhiều so với TN. Nhược điểm là màn hình IPS hay bị hở sáng ở góc và cạnh
- OLED: được sử dụng từ iPhone X, sau đó đến XS và XS Max. Có rất nhiều ưu điểm: mỏng, tiết kiệm điện, góc nhìn rộng, độ phủ màu cao, tương phản cao, màu đen sâu. Dù vậy, màn OLED vẫn chưa xuất hiện trên laptop do chi phí sản xuất còn quá cao.
2.2 Tuổi thọ màn hình
Càng sử dụng lâu, đèn nền và tấm nền màn hình sẽ bị lão hóa, ảnh hưởng đến độ chuẩn xác của màu sắc.
2.3 Card màn hình, dây màn hình
Để màn hình có thể hiển thị tốt thì đầu vào của nó cũng đóng vai trò quan trọng. Các dòng card màn hình chuyên dùng cho đồ họa (Quardo, FirePro) có độ sâu màu lớn hơn các dòng card thông thường (10 bit / kênh so với 8 bit).
Trong khi đó, các chuẩn truyền dẫn tín hiệu số (digital) như DVI, HDMI, Display Port cũng cho chất lượng hình ảnh tốt hơn so với tín hiệu tương tự (analog) như VGA.
3. Lợi ích của việc cân màu màn hình
Cân màu màn hình là việc đo đếm và tác động bằng phần mềm, giúp màn hình hiển thị màu sắc chính xác nhất theo một tiêu chuẩn nhất định.
Cân màu màn hình giúp giảm sự sai lệch về màu sắc giữa các thiết bị. Điều này đặc biệt có ích với những bạn làm đồ họa, phim ảnh đang sử dụng hai màn hình. Sản phẩm mà các bạn tạo ra sẽ đến tay người dùng đúng theo cách mà bạn mong muốn.
Bằng các công cụ cân màu, bạn cũng có thể điều chỉnh màn hình phù hợp với mục đích sử dụng. Ví dụ: nhiệt độ màu 5000K cho màu trắng ấm, gần với màu trắng của giấy nên được dùng nhiều trong ngành công nghiệp in ấn. Trong khi đó mức 6500K gần với ánh sáng tự nhiên (vào buổi trưa) nên được sử dụng rộng rãi trên các thiết bị như máy tính, điện thoại, máy ảnh nói riêng … cũng như nội dung số nói chung.