Mặc dù các mô tả của USB-C đã được công bố từ 2014, nó mới chỉ phổ biến trong vài năm trở lại đây. USB-C được tạo ra, không chỉ thay thế cho các loại USB cũ mà còn cho các cổng kết nối khác như Thunderbolt, Displayport, thậm chí là audio 3.5mm sau này.
1. USB-C: Không chỉ là một chân cắm khác
Chỉ nhỏ gọn như micro USB nhưng mang trong mình các tính năng hiện đại nhất như USB 3.1 và USB power delivery (USB PD), đó là điều bạn cần biết đến đầu tiên về USB-C. Còn khi nhắc đến USB (nói chung), chắc hẳn đa số chúng ta sẽ nghĩ đến cái này …
Cổng này có tên là USB Type-A. Xuất hiện từ năm 1996, trải qua nhiều lần nâng cấp về tốc độ (2.0 năm 2001, 3.0 năm 2011 và 3.1 năm 2014), hình dáng của nó vẫn không có gì thay đổi: khá to và chỉ có thể cắm được theo một chiều. Trong khi đó, các thiết bị thì ngày càng nhỏ và mỏng hơn, vì vậy nhiều biến thể của USB xuất hiện như “mini USB” và “micro USB”.
Tin tốt là bộ sưu tập này cũng sắp được vào “bảo tàng” nhờ sự xuất hiện của USB-C. Bạn chỉ cần mang một sợi dây (2 đầu C) để làm tất cả mọi việc, từ sạc điện thoại – laptop cho đến kết nối, truyền dữ liệu qua ổ cứng ngoài. Đủ nhỏ để có thể vừa vặn trên điện thoại, máy tính bảng nhưng cũng đủ mạnh để có thể kết nối tất cả các thiết bị ngoại vi cho máy tính, laptop. Hơn thế nữa, vì đây là cổng kết nối 2 mặt nên bạn có thể cắm theo chiều nào cũng được (giống cổng Lightning trên iPhone).
USB Type-C còn có một chế độ hoạt động gọi là “alternate mode”, cho phép bạn có thể dùng các cổng chuyển đổi để xuất ra HDMI, VGA, DisplayPort … từ cổng USB-C đó. MacBook 12 inch 2015 là chiếc máy đầu tiên tích hợp tất cả các cổng kết nối khác nhau vào 1 USB-C duy nhất.
2. USB-C và công nghệ USB PD (Power Delivery)
USB PD cũng là một trong những điểm nổi bật khi nhắc đến USB Type-C. Công suất 2.5 Watt của USB 2.0 có thể dùng để sạc điện thoại – máy tính bảng, nhưng bao lâu mới đầy pin ?
Trong khi đó chuẩn USB PD được hỗ trợ bởi USB-C nâng khả năng truyền tải điện lên tới 100 Watt, nên bạn có thể sạc chiếc MacBook 15 inch 2018 mạnh nhất qua cổng USB-C. Cổng USB-C vừa có thể dùng để sạc (nhận điện), vừa có thể dùng để sạc cho thiết bị khác (truyền điện). Những điều không tưởng như sạc laptop bằng pin dự phòng, thậm chí sạc laptop bằng màn hình để bàn đã trở thành hiện thực nhờ USB Type-C.
Đừng quên, thiết bị hoặc dây có USB-C thì CHƯA CHẮC đã hỗ trợ USB PD. Hãy kiểm tra và xác nhận kỹ với người bán của bạn.
3. USB-C, USB 3.1 và tốc độ truyền tải
USB 3.1 là một chuẩn USB mới. Băng thông lý thuyết của USB 3.0 là 5Gbps (Giga bít trên giây) trong khi của USB 3.1 là 10Gbps – nhanh bằng Thunderbolt đời đầu.
Không đánh đồng giữa USB Type C và USB 3.1. USB Type-C (hoặc A, B) nói về hình dáng của cổng kết nối, trong khi USB 3.1 (1.1, 2.0, 3.0) là về tốc độ. Đơn cử như máy tính bảng Nokia N1 dùng cổng USB Type-C nhưng tốc độ truyền dữ liệu tối đa chỉ là USB 2.0 (480 Mbps).
Hãy kiểm tra và xác nhận kỹ với người bán rằng dây hoặc thiết bị có hỗ trợ USB 3.1 hay không.
4. USB-C và tính tương thích ngược
Về mặt vật lý, USB-C không tương thích ngược với các chuẩn trước (không như Type A 2.0 và 3.0). Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng các thiết bị cũ với USB-C thông qua cổng chuyển thụ động đơn giản như hình dưới.
Các laptop mới hiện nay vẫn có cả USB-A và USB-C để người dùng làm quen và dần dần chuyển từ các thiết bị cũ sang thiết bị sử dụng USB-C. Trong khi đó, Apple đã sử dụng toàn bộ USB-C trên các dòng MacBook của mình, cụ thể như sau:
- MacBook 12 inch (2015 trở lên)
- MacBook Pro (2016 trở lên)
- MacBook Air (2018 trở lên)
Kết luận
Mình thấy USB-C là một nâng cấp đáng giá. Bắt đầu với MacBook và một số dòng điện thoại, máy tính bảng, USB-C sẽ trở lên phổ biến. Với sự xuất hiện của USB-C trên iPad Pro 2018 thì tương lai thay thế cổng Lightning là hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn thế nữa, Lightning là cổng kết nối độc quyền của Apple và sẽ bị tính phí bản quyền. Vì vậy, USB-C sẽ trở thành cổng kết nối tương lai trên máy tính và các thiết bị di động.