Ngoài các tính năng kể trên, Apple cũng đã thực hiện nhiều chỉnh sửa và thay đổi đối với macOS nhằm mục đích tối ưu hóa thời gian sử dụng máy Mac của bạn và mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị hơn. Và để bạn không bỏ lỡ bất cứ điều gì, chúng tôi đã tổng hợp tất tần tật thủ thuật trên macOS Monterey mà bạn không thể không biết trong bài viết dưới đây.
1. Lưu ảnh trong Tin nhắn
Có nhiều khả năng bạn sẽ muốn lưu ảnh nhận được trong ứng dụng Tin nhắn (Messages) vào thư viện anh của mình và macOS Monterey giúp việc này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Bạn không cần phải nhấp chuột phải hoặc mở hình ảnh để lưu nó. Thay vào đó, chỉ cần nhấn vào nút “Save to Photos” ở bên phải của hình ảnh.
2. Đổi màu con trỏ chuột
Đây là một tính năng thú vị khi Apple đã cung cấp cho con trỏ chuột khả năng thay đổi màu sắc, từ màu trắng viền đen tiêu chuẩn và có phần nhàm chán sang bất kỳ sự kết hợp màu sắc nào mà bạn muốn.
Để làm được điều này, bạn chỉ cần mở System Preferences, chọn “Accessibility” rồi nhấn chọn “Display” ở cột bên trái. Nhấn vào tab Pointer trong cửa sổ tùy chọn và bạn sẽ nhìn thấy các cài đặt cho màu viền con trỏ cũng như màu của con trỏ chuột. Nhấn chọn màu sắc mà bạn thích từ bảng màu, như vậy là bạn đã có thể đổi màu cho con trỏ chuột của mình. Đồng thời bạn hoàn toàn có thể cài đặt lại về màu mặc định ban đầu nếu muốn.
3. Quản lý ảnh chụp nhanh APFS trong Disk Utility
Trong ứng dụng Disk Utility trên macOS, giờ đây bạn có quyền truy cập vào các ảnh chụp nhanh APFS để xem chúng dễ dàng. Ảnh chụp nhanh APFS là bản sao chỉ đọc của APFS chính, được chụp tại một thời điểm cụ thể, bạn có thể duy trì các ảnh chụp nhanh này và sao chép các mục từ chúng.
Để xem chúng dưới dạng danh sách, chỉ cần chọn một ổ đĩa và chọn “View”, sau đó chọn hiển thị chụp nhanh APFS “Show APFS Snapshots” từ thanh menu. Danh sách cố định sẽ hiển thị cho bạn tên, ngày tạo và kích thước của mỗi ảnh chụp nhanh, trong khi ảnh chụp nhanh gần đây nhất sẽ có biểu tượng phân vùng bên cạnh “Tidemark” của nó. Chọn một ảnh chụp nhanh từ danh sách và bạn có thể nhấp chuột phải hoặc sử dụng nút dấu chấm lửng ở góc dưới cùng bên trái của danh sách để xem, đổi tên hoặc xóa ảnh chụp nhanh.
4. Kiểm tra chất lượng mạng
Giờ đây, bạn có thể đo chất lượng kết nối internet của máy Mac trực tiếp từ bên trong macOS bằng cách đơn giản là mở cửa sổ Terminal và nhập “networkQuality” vào dấu nhắc lệnh.
Sau một thời gian ngắn, bạn sẽ có một phép đo tốc độ upload/download, cùng với số lượng “flows” (gói thử nghiệm) được sử dụng để kiểm tra khả năng đáp ứng mạng. Dung lượng upload/download này sẽ gần bằng số liệu kết quả mà bạn nhận được từ các công cụ đo tốc độ internet trực tuyến như Speedtest của Ookla, mặc dù nó kiểm tra khả năng upload và download đồng thời thay vì tuần tự.
5. Bảo vệ hoạt động trên Mail
Trong ứng dụng Mail, Apple đã bổ sung một tính năng mới được gọi là Bảo vệ quyền riêng tư của Mail, ngăn chặn người gửi sử dụng các pixel ẩn để thu thập thông tin về bạn. Tính năng này sẽ giúp ngăn chặn việc người gửi biết thời điểm bạn mở email, đồng thời che giấu địa chỉ IP của bạn để nó không thể liên kết với các hoạt động trực tuyến khác của bạn hay sử dụng để xác định vị trí của bạn.
Để bật tính năng này, bạn chọn Mail, sau đó là Preferences… trong thanh menu, nhấn vào tab Privacy rồi tick chọn “Protect Mail Activity”.
Bên cạnh đó, nếu bạn tắt tính năng này, bạn vẫn có thể chọn ẩn địa chỉ IP “Hide IP address” và chặn tất cả các nội dung từ xa “Block All Remote Content” một cách độc lập để bảo mật cho hộp thư của mình.
6. AirPlay cho máy Mac
Trong macOS Monterey, bạn có thể AirPlay nội dung từ iPhone hoặc iPad thẳng tới máy Mac của mình hoặc thậm chí từ máy Mac này sang máy Mac khác. Ví dụ: Bạn phát một bài hát, podcast hoặc video trên iPhone hoặc iPad của mình, rồi chạm vào biểu tượng AirPlay trong giao diện phát lại phương tiện của ứng dụng, sau đó chọn máy Mac từ danh sách thiết bị AirPlay.
Nếu đó là nhạc hoặc podcast, âm thanh sẽ bắt đầu phát qua loa của máy Mac hoặc bất kỳ loa ngoài nào được kết nối với máy Mac của bạn, và bạn có thể điều khiển phát lại trên máy Mac của mình bằng cách mở Trung tâm điều khiển Control Center. Video sẽ tự động phát trên màn hình của máy Mac ở chế độ toàn màn hình và bạn có thể điều khiển phát lại trực tiếp trên máy Mac của mình bằng cách di chuyển chuột và chọn các điều khiển phát lại trên màn hình.
Lưu ý rằng AirPlay chỉ hoạt động trên MacBook Air 2018 trở lên, MacBook Pro 2018 trở lên, iMac 2019 trở lên, M1 Mac mini, iMac Pro và Mac Pro 2019.
7. Trình bảo vệ màn hình Screensaver
macOS 12 bao gồm hai trình bảo vệ màn hình mới đáng để thử. “Hello” là sự tôn kính đối với máy Macintosh ban đầu với dòng chữ viết tay nối liền nhau mang tính biểu tượng, trong khi “Monterey” cung cấp các chuyển tiếp chậm đơn giản hơn qua các ngọn đồi và thung lũng với các sắc thái khác nhau của màu hồng, tím và xanh lam.
Trình bảo vệ màn hình Hello xoay vòng qua các màu khác nhau và có một số theme để bạn lựa chọn bao gồm tông màu dịu (Soft Tones), dải quang phổ (Spectrum) và tối giản (Minimal). Soft Tones sử dụng các màu pastel được giới thiệu với iMac mới và phù hợp với màu văn bản, trong khi Spectrum sử dụng các sắc thái bão hòa hơn với màu văn bản sáng hơn. Minimal hiển thị từ “Hello” bằng màu đen, trắng và xám.
Theo mặc định, trình bảo vệ màn hình sẽ hiển thị “Hello” bằng nhiều ngôn ngữ, nhưng bạn có thể cài đặt để nó chỉ hiển thị ngôn ngữ mẹ đẻ của mình bằng cách tắt tính năng hiển thị tất cả các ngôn ngữ trong “Screen Saver Options”. Ngoài ra còn có một nút chuyển đổi giao diện hệ thống để phù hợp với các tùy chọn chế độ sáng và tối.
8. Chuyển đổi định dạng hình ảnh nhanh chóng “Convert Image Quick Action”
Convert Image là một Quick Action mới được cài đặt sẵn trong Finder có thể nhanh chóng chuyển đổi một tệp hình ảnh từ một định dạng (JPG, HEIC và PNG) sang một định dạng khác. Nó cũng cho phép bạn thay đổi kích thước tệp (nhỏ, vừa, lớn hoặc kích thước thực) và chọn có giữ siêu dữ liệu của tệp trong hình ảnh được chuyển đổi hay không.
Để sử dụng “Convert Image Quick Action”, nhấp chuột phải (hoặc Ctrl-click) vào một tệp hình ảnh, chọn “Quick Actions” sau đó là “Convert Image”. Chọn cài đặt của bạn trong hộp thoại xuất hiện, sau đó nhấn vào “Convert”.
9. Tạo nhóm tab trong Safari
Nhóm tab trong Safari nhằm mục đích giúp việc tổ chức và bảo quản các tab trình duyệt đang mở của bạn để dễ quản lý hơn mà không cần phải kích hoạt các tab đó. Nó cung cấp cho bạn khả năng lưu và quản lý các tab liên quan một cách dễ dàng, chẳng hạn như các tab được sử dụng để lập kế hoạch cho chuyến đi hoặc mua sắm, hoặc các nhóm có thể được sử dụng để lưu trữ các tab mà bạn truy cập hàng ngày.
Để tạo Tab Group, nhấn vào biểu tượng “Show Sidebar” bên cạnh cột dấu ba chấm, sau đó chọn “New Tab Group”.
Hoặc nhấn vào mũi tên xuống bên cạnh biểu tượng “Show Sidebar” và chọn “New Empty Tab Group” hoặc “New Tab Group With X Tabs”, trong đó “X” là số tab hiện đang mở. Bất kỳ Tab Group nào cũng được liệt kê trong sidebar để phục vụ việc chuyển đổi dễ dàng.
10. Thay đổi tốc độ phát lại QuickTime
Trong macOS, giờ đây bạn có thể điều chỉnh tốc độ phát lại video trong QuickTime Player gốc của Apple.
Chỉ cần nhấp vào chữ “V” ở góc dưới cùng bên phải của lớp điều khiển phương tiện và chọn tốc độ ưa thích của bạn từ 0,5x đến 2,0x.
11. Thanh tab Safari nhỏ gọn
Trong các phiên bản beta đầu tiên của macOS, Apple đã giới thiệu một thiết kế Safari thống nhất và nhỏ gọn mặc định loại bỏ URL chuyên dụng và giao diện tìm kiếm, thay vào đó cho phép bất kỳ tab riêng lẻ nào được sử dụng để điều hướng dữ liệu đầu vào. Thiết kế này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều người dùng, khiến Apple phải quay lại với thiết kế ban đầu, trong đó URL / thanh tìm kiếm nằm ở đầu cửa sổ Safari, với các tab được bố trí bên dưới.
Tuy nhiên, nếu bạn thích thiết kế thanh tab Safari nhỏ gọn này, bạn có thể tìm thấy nó như một tùy chọn trong Safari, chọn Preferences… Nhấn vào tab “Tabs” và chọn “Tab Layout: Compact” để bật thanh tab nhỏ gọn ban đầu.
12. Xóa nội dung và cài đặt
Tiếp nối iPhone và iPad, các máy Mac sử dụng chip Apple silicon và máy Mac Intel có chip bảo mật T2 (các mẫu 2017-2020) hiện đã có tùy chọn “Erase All Content and Settings” – xóa tất cả nội dung và cài đặt có sẵn trong macOS Monterey.
Điều này không chỉ hiệu quả với việc xóa tất cả dữ liệu người dùng và ứng dụng do người dùng cài đặt khỏi máy Mac mà không cần cài đặt lại macOS, mà nó còn đăng xuất khỏi ID Apple của bạn, xóa dấu vân tay Touch ID, giao dịch mua và tất cả các mục trong Apple Wallet, đồng thời tắt tính năng tìm kiếm “Find My” và “Activation Lock”, giúp khôi phục máy Mac của bạn về cài đặt gốc ban đầu một cách dễ dàng hơn bao giờ hết..
13. Chế độ nguồn điện thấp
Trong macOS Monterey, chế độ nguồn điện thấp “Low Power Mode” sẽ làm giảm tốc độ đồng hồ hệ thống và độ sáng màn hình của máy Mac để kéo dài tuổi thọ pin. Vì vậy, nếu bạn đang thực hiện các tác vụ ít chuyên sâu hơn như xem video hoặc duyệt web, bạn có thể bật tính năng này để tiết kiệm pin cho máy Mac của mình.
Để bật chế độ này, mở “System Preferences” và nhấn chọn “Battery”. Sau đó trong sidebar, tiếp tục chọn “Battery” và tick chọn “Low Power Mode”.
14. Tắt tính năng chia sẻ “Shared With You” đối với liên hệ cụ thể
Trong ứng dụng Tin nhắn, có một tính năng gọi là “Shared With You” giúp cho nội dung mà bạn nhận được trong tin nhắn hiển thị trên các ứng dụng có liên quan trên máy Mac của bạn. Chẳng hạn như, nếu ai đó chia sẻ bài hát Apple Music với bạn, bài hát đó sẽ được liệt kê trong phần “For You” của Apple Music. Tương tự, nếu ai đó chia sẻ một liên kết, liên kết đó sẽ hiển thị trong phần “Shared with You” trên trang Safari của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn không muốn nội dung được chia sẻ từ một người cụ thể nào đó xuất hiện trên các ứng dụng khác, bạn có thể tắt tính năng này đi bằng cách: chọn chuỗi hội thoại trong Tin nhắn, nhấp vào biểu tượng thông tin (i) ở góc trên cùng bên phải và bỏ chọn “Show in Shared with You”.
15. Thêm liên kết vào Quick Notes
Một tính năng khá năng suất nữa của Monterey là ghi chú nhanh Quick Notes, cung cấp cho bạn cách nhanh hơn để ghi chú lại mọi thứ mà không cần phải ra vào ứng dụng Ghi chú.
Quick Notes còn có thể phát hiện ứng dụng mà bạn đang sử dụng hoặc vừa mới sử dụng gần đây, và cung cấp một dropdown menu ngay đầu cửa sổ trình chỉnh sửa, để bạn có thể thêm liên kết đến một tin nhắn cụ thể mà bạn đang xem trong Mail, hoặc một trang web mà bạn vừa xem trên Safari chẳng hạn. Khi một ghi chú bao gồm một liên kết như vậy, bạn có thể chỉ cần nhấp vào liên kết và sẽ được đưa trực tiếp đến nội dung liên quan.
16. Hồ sơ người dùng với Memoji
Trong macOS Monterey, bạn có thể sử dụng Memoji động để làm hồ sơ người dùng Mac của mình thay vì hình ảnh tĩnh tiêu chuẩn trước đây.
Để làm điều này, mở System Preferences, chọn “Users & Groups”, sau đó di con trỏ đến ảnh hồ sơ được khoanh tròn và nhấp vào chỉnh sửa. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy một bộ sưu tập đầy đủ các nhân vật Memoji, bao gồm Memoji bạn do bạn tự tạo và bạn có thể tùy chỉnh chúng theo nhiều cách khác nhau, từ gọng kính cho đến quần áo.
Lần tới khi đăng nhập vào máy Mac, bạn sẽ thấy hình đại diện Memoji động của mình xuất hiện. Và nếu nhập sai mật khẩu đăng nhập một vài lần, bạn sẽ được chứng kiến các cấp độ biểu hiện trên khuôn mặt của Memoji từ khó chịu cho đến giận dữ. Và rất nhiều điều thú vị khác nữa.
17. Tính năng xem nhanh văn bản “Quick Look Previews”
Được gọi ra bằng cách nhấn phím cách, Quick Look là một tính năng tuyệt vời giúp bạn xem trước nhanh chóng các tệp trong Finder mà không cần mở chúng trong ứng dụng được liên kết hoặc ứng dụng Preview chuyên dụng.
Không biết vì lý do gì mà ở các phiên bản trước, Apple đã loại bỏ tính năng chọn văn bản trong tài liệu để sao chép hoặc dán vào nơi khác trong Quick Look. Tuy nhiên, ở Monterey, tính năng này đã âm thầm được khôi phục.
Không chỉ vậy, tính năng Live Text của Apple có nghĩa là văn bản bạn chọn không cần phải có trong tài liệu, bạn cũng có thể đánh dấu văn bản hiển thị trong ảnh và thực hiện các tác vụ khác nhau trên đó, chẳng hạn như dịch và tìm kiếm trên web.
18. Làm mờ background của bạn trong cuộc gọi FaceTime
Trong macOS Monterey, Apple đã mang đến một số cải tiến cho FaceTime, bao gồm cả chế độ Chân dung trong các cuộc gọi video. Khi bật chế độ này, bạn có thể làm mờ background đằng sau để chính bạn trở thành tiêu điểm.
Để bật tính năng này, mở FaceTime, sau đó nhấp vào biểu tượng Control Center trên thanh menu và chọn “Video Effects”, sau đó là “Portrait Mode”.
19. Thêm phím tắt dưới dạng Quick Actions
Nhờ sự ra đời của ứng dụng Phím tắt (Shortcuts) cho macOS, giờ đây bạn có thể thêm phím tắt dưới dạng Quick Actions để thực thi trong Finder.
Chỉ cần khởi chạy ứng dụng Shortcuts, sau đó kéo các phím tắt từ All Shortcuts đến Quick Actions trong sidebar. Tiếp đó, bạn có thể làm cho các phím tắt có thể truy cập được bằng cách click chuột phải vào menu ngữ cảnh trong Finder bằng cách mở “System Preferences”, chọn “Extensions”, rồi đến “Finder”.
20. Chế độ Globe trong ứng dụng Maps
Trong Monterey, Apple đã cải tiến ứng dụng Bản đồ để bao gồm chế độ xem toàn cầu mới cho phép bạn quay quả địa cầu và phóng to các khu vực khác nhau trên Trái đất.
Trong các phiên bản trước của Maps, việc thu nhỏ sẽ hiển thị cho bạn bản đồ thế giới phẳng, nhưng chế độ xem toàn cầu mới cung cấp cho bạn chế độ xem ba chiều của Trái đất từ không gian, điều này thú vị hơn rất nhiều. Bạn có thể đi sâu vào các khu vực, nơi bạn sẽ tìm thấy thông tin chi tiết hơn về các đặc điểm địa chất rộng lớn như dãy núi, sa mạc, rừng và đại dương…